Thị trường TPCN Việt Nam: Quan tâm tới sức khỏe xương và nhận thức
Trong vài năm qua, Việt Nam vẫn luôn được nhắc tới trong danh sách các thị trường mới nổi - trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ sức khỏe tới sắc đẹp - trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và sức mua tốt được coi là những lý do khiến thị trường Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng mạnh và thu hút được sự quan tâm của các công ty, tập đoàn đa quốc gia.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF), thị trường thực phẩm bổ sung tại nước ta bao gồm 60% sản phẩm sản xuất tại địa phương, 40% là sản phẩm nhập khẩu. Có thể thấy hiện nay, không chỉ các công ty/tập đoàn đa quốc gia, mà ngay cả các quốc gia Đông Nam Á khác cũng chú ý tới thị trường Việt Nam.
Việt Nam chỉ đứng sau Thái Lan và Singapore khi xét về tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên. Từ năm 2019 - 2023, tỷ lệ người Việt trưởng thành (từ 60 tuổi trở lên) đã tăng từ 11,9% lên tới 13,9%. Điều này cũng có thể giải thích tại sao một số thương hiệu như Henry Blooms (Australia) nhận thấy nhu cầu mạnh mẽ về các TPCN liên quan đến lão hóa ở Việt Nam - đặc biệt là những sản phẩm hỗ trợ sức khỏe xương.
Trích dẫn báo cáo năm 2021 của Công ty Euromonitor (có trụ sở tại Anh), VAFF cho biết tổng giá trị thị trường của thị trường TPCN tại Việt Nam đã đạt tới 560 triệu USD. Ngành công nghiệp này cũng đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) gần 9% trong khoảng thời gian từ năm 2021 - 2022.
Các đơn vị đang nắm giữ thị trường
Người tiêu dùng nên tìm mua TPCN được phân phối qua các nhà thuốc uy tínTrong báo cáo thường niên năm 2022, Herbalife Nutrition cho biết doanh thu thuần tại Việt Nam đã tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2021, lên tới 298,9 triệu USD. Tính theo nội tệ, doanh thu thuần tăng 11,8%.
Trong báo cáo, Herbalife Nutrition cũng cho biết tại thị trường Việt Nam, “số lượng bán hàng tăng trưởng trong vài năm trở lại đây, nhờ chỉ đạo bán hàng tập trung vào các hoạt động kinh doanh bền vững, hướng đến người tiêu dùng”, bên cạnh điểm tiếp cận sản phẩm ngày càng tăng.
Herbalife Nutrition cũng có thị phần lớn nhất tại Việt Nam, với 11,2% tính đến năm 2020, dựa trên dữ liệu của Euromonitor. Công ty Cổ phần (CTCP) Traphaco đứng thứ 2 với 7,9% thị phần, tiếp theo là Amway Việt Nam với 5,1%; Nu Skin Việt Nam với 4,9% và CTCP Dược Hậu Giang với 3,6%. Tập đoàn Nhân sâm Hàn Quốc là công ty châu Á duy nhất (không phải của Việt Nam) lọt vào danh sách top 8, xếp thứ 7 với thị phần 3%.
Xu hướng TPCN: Tập trung vào các sản phẩm tăng cường miễn dịch, hỗ trợ xương và cải thiện trí nhớ
Hiện nay, xu hướng các sản phẩm TPCN tại Việt Nam tập trung vào việc cải thiện sức khỏe xương, sức khỏe nhận thức và khả năng miễn dịch. Trong khi đó, các sản phẩm cải thiện sức khỏe hệ hô hấp cũng được coi là có tiềm năng tăng trưởng tốt.
Theo VAFF, các sản phẩm tại địa phương liên quan tới việc cải thiện trí nhớ, tăng cường miễn dịch đang có xu hướng dẫn đầu thị trường. Hiệp hội cũng cho biết người tiêu dùng Việt có xu hướng ưa chuộng các sản phẩm từ thảo dược, sản phẩm y học cổ truyền, với gần 70% các sản phẩm được bán trên thị trường có chứa các thành phần chính từ thảo dược, chứa các nguyên liệu y học cổ truyền.
Người tiêu dùng Việt có xu hướng ưa chuộng các sản phẩm từ thảo dượcThương hiệu Henry Blooms (Australia) cũng đưa ra những quan sát tương tự, chỉ ra rằng các sản phẩm chăm sóc sức khỏe nhận thức có chứa thành phần bạch quả (ginko), rau đắng biển… rất phổ biến. Tuy nhiên, xu hướng độc đáo nhất ở Việt Nam hiện nay là nhu cầu mạnh mẽ về TPCN cải thiện sức khỏe xương.
Đại điện thương hiệu Henry Blooms hiệu cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng mặc dù các mảng miễn dịch, sức khỏe đường ruột cũng rất phổ biến tại Việt Nam, nhưng nhu cầu về các sản phẩm này về cơ bản có ở mọi thị trường. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các sản phẩm chăm sóc xương, cụ thể là sản phẩm nhằm giải quyết vấn đề viêm xương khớp lại là một mối quan tâm nổi bật. Có lẽ do có khoảng từ 14 - 15% phụ nữ Việt mắc các bệnh viêm xương khớp, do đó các sản phẩm thuộc mảng này đặc biệt bán chạy trên thị trường”.
Dựa theo công bố năm 2021 trên tạp chí PLOS One, các nhà khoa học ước tính ở Việt Nam, có khoảng 27% phụ nữ và 10% nam giới từ 50 tuổi trở lên mắc bệnh loãng xương. Trong số những người bị loãng xương, lại có khoảng 18% phụ nữ và 12% nam giới được xếp vào nhóm có nguy cơ cao bị gãy xương hông.
Ngoài ra, các công ty Malaysia cũng nhận thấy nhu cầu chưa được đáp ứng về các sản phẩm TPCN hỗ trợ sức khỏe đường hô hấp tại thị trường Việt. Họ cho rằng các vấn đề sức khỏe đường hô hấp có xu hướng phát sinh từ chất lượng không khí kém. Do đó, việc tập trung vào các TPCN cải thiện sức khỏe đường hô hấp, cải thiện khả năng miễn dịch và thúc đẩy chống oxy hóa có thể được tính đến.
Người tiêu dùng vẫn ưa chuộng yếu tố truyền thống
Mặc dù Việt Nam đang trải qua quá trình hiện đại hóa nhanh chóng và người tiêu dùng có thu nhập khả dụng cao hơn, thị trường dường như vẫn chưa sẵn sàng cho những khái niệm (ví dụ như các dạng bào chế) quá mới.
Theo đại diện từ thương hiệu Henry Blooms (Australia), các dạng bào chế thuốc “hiện đại hơn” vẫn được coi là “còn khá sớm” để giới thiệu tới thị trường Việt Nam. Trong khi đó, người tiêu dùng tại các nước láng giềng như Malaysia và Singapore đã sẵn sàng hơn trong việc chấp nhận các khái niệm này.
Điều này dựa trên kinh nghiệm của thương hiệu khi bán các sản phẩm TPCN dạng xịt tại Việt Nam. Theo đó, hãng cho biết người tiêu dùng Việt vẫn thích các sản phẩm dạng viên nang hoặc viên nén hơn, cho rằng hiệu quả của sản phẩm dạng xịt kém hơn so với các dạng truyền thống. Đây cũng là lý do tại sao Henry Blooms đã đưa ra nhiều khái niệm mới lạ như thức uống lên men sinh học (bio-fermented liquids) tại Malaysia và Singapore, nhưng chưa có ở Việt Nam.
Với các thương hiệu lớn từ Malaysia, họ nhận định rằng người tiêu dùng Việt nhìn chung có sức mua mạnh hơn cả người Malaysia, một phần vì mức chi tiêu trung bình cao hơn. Việt Nam cũng có cơ sở hạ tầng và thói quen ăn uống của người dân khác so với Malaysia. Điều này sẽ ảnh hưởng nhiều tới các loại sản phẩm mà người Việt mua, cũng như tới cách họ tiêu tiền.
Tuy nhiên, các thương hiệu lớn từ Malaysia cũng đánh giá mức độ hiểu và quan tâm của người tiêu dùng Việt về các sản phẩm probiotic và TPCN có chứa nấm vẫn chưa thực sự cao. Do đó, họ đang tập trung vào việc giới thiệu các sản phẩm “giá cả phải chăng và đơn giản hơn” tại Việt Nam.
Theo báo cáo năm 2021 của công ty tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey & Company (Mỹ), vào năm 2000, chưa đến 10% dân số Việt Nam thuộc tầng lớp tiêu dùng. Tuy nhiên, con số này đã tăng lên tới 40% vào năm 2021. Theo đó, tầng lớp tiêu dùng được định nghĩa là những người chi tiêu từ 11 USD/ngày trở lên (khoảng 280.000 đồng/ngày), tính theo điều kiện ngang giá sức mua.
“Sức tiêu dùng mới hiện không chỉ tới từ những người mới gia nhập tầng lớp tiêu dùng, mà còn tới từ sự gia tăng mạnh mẽ của cả tầng lớp tiêu dùng. Những người thuộc nhóm tiêu dùng mạnh nhất (những người chi tiêu từ 30 USD/ngày trở lên, tương đương với khoảng 760.000 đồng/ngày) đang có xu hướng tăng nhanh và có thể chiếm tới 20% dân số Việt Nam vào năm 2030”, báo cáo cho biết.
Ngành TPCN Việt Nam: Vẫn còn nhiều khó khăn phải đối mặt
Đề cập tới những thách thức của ngành TPCN Việt Nam, VAFF cho rằng khó khăn chính hiện nay là sự khác biệt trong cơ chế quản lý quốc gia, so với những khuôn khổ pháp lý của ASEAN về các sản phẩm TPCN.
VAFF cho rằng điều này không chỉ cản trở thương mại, mà còn có thể là trở ngại trong việc giúp ngành công nghiệp địa phương xây dựng năng lực và khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu ra thị trường ASEAN.
Trước mắt, VAFF sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ quan quản lý trong nước để đảm bảo sớm hòa nhập hài hòa với ngành TPCN khu vực.